Cuộc Đời và Đạo Nghiệp Của Hòa Thượng Thích Huệ Chiếu – Thập Tháp
Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu (1898-1965) họ Từ, sanh tháng 10 năm Mậu Tuất (1898), quê quán tại làng Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Thân phụ Hòa thượng là Từ Liễu, thân mẫu là Phan Hiệu Tý. Năm 12 tuổi, Ngài từ giã song thân đến chùa Thập Tháp xuất gia tu học, được Quốc sư Phước Huệ nhận làm đệ tử cho pháp danh là Không Hoa, hiệu Huệ Chiếu, Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41.
Bởi bẩm chất thông minh, đạo hạnh nhân từ, nên Ngài được chọn làm thị giả hầu cận bên Quốc sư nhiều năm. Đến năm 1920, sở học cũng như đạo hạnh vững vàng nên Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ đại giới, sau đó nhận lãnh chức vụ thủ khố, trông coi quản lý và chăm lo tất cả mọi việc của Tổ đình. Nhất là vào những năm Quốc sư thường xuyên ra Huế giảng dạy, Ngài phải thay mặt Bổn sư đảm trách và giải quyết mọi mặt đối nội cũng như đối ngoại một cách chu toàn. Là một đệ tử lớn của Quốc sư, cho nên ngoài công việc chùa Ngài còn phải trông nom nuôi nấng, hướng dẫn và dạy dỗ cho tất cả hàng sư đệ còn nhỏ tuổi. Vì vậy mà sau nầy các vị sư đệ xem Ngài như là bậc thầy của mình. Năm 1925, triều đình sắc phong cho Ngài trú trì Tổ đình Thập Tháp thừa đảm Phật sự để Quốc sư an tâm giảng dạy Phật pháp tại Kinh đô.
Đến năm 1945 Quốc sư viên tịch, Ngài chính thức thừa kế trú trì Tổ đình Thập Tháp, nhằm lúc đất nước đang trong giai đoạn nhiễu nhương phức tạp, lòng người hoang mang dân chúng khắp nơi đói khổ. Lúc bấy giờ, chế độ quân chủ hoàn toàn sụp đổ, thể chế dân chủ cộng hòa lãnh đạo nền chính trị quốc gia, đất nước lại một lần nữa Nam Bắc phân chia. Mặc dầu trong hoàn cảnh khó khăn nhiều mặt nhưng Hòa thượng đã dốc hết tâm lực duy trì Tổ nghiệp phụng sự Đạo pháp.
Năm 1952, Ngài được đại tăng trong bản tỉnh cung thỉnh làm Hòa thượng Đường Đầu tại Giới đàn chùa Thiên Bình, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau khi Giáo hội Tăng-già toàn quốc thành lập vào năm 1952 tại Hà Nội, Ngài được toàn thể chư tăng và tín đồ trong tỉnh tín nhiệm bầu làm Trị Sự Trưởng Giáo hội Tăng-già Bình Định.
Năm 1956 tình hình Giáo hội tạm yên, Hòa thượng đứng ra vận động trùng tu ngôi Chánh điện Thập Tháp với sự tham gia đông đảo chư tăng môn phái. Qua năm sau việc trùng tu tạm hoàn tất, lễ Lạc thành được tổ chức một cách trọng thể.
Năm 1963, dưới chính sách kỳ thị tôn giáo và nền chính trị độc tài của gia đình họ Ngô, Phật giáo cả nước đứng lên đấu tranh đòi tự do và bình đẳng tôn giáo. Tại Bình Định, Hòa thượng lãnh đạo Tăng Tín đồ Phật giáo tích cực tham gia phong trào đấu tranh, góp phần trong sự nghiệp bảo vệ và duy trì ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng sống hết sức bình dị, hòa đồng với tất cả mọi người chung quanh, xa gần ai ai cũng cảm phục đức độ của Ngài. Trong thời gian trú trì tổ đình Thập Tháp, Hòa thượng khai sơn nhiều tự viện như:
– Chùa Tiên Phong ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
– Chùa Pháp Tràng ở Vĩnh Tràng, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
– Chùa Đại Viên ở Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
– Chùa Ngưỡng Quan ở thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Đến năm Ất Tỵ (1965) nhằm vào giờ Tý ngày 11 tháng 9, Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu an nhiên thị tịch tại Tổ đình Thập Tháp, bảo tháp Hòa thượng được an lập phía Bắc của chùa. Long vị thờ tại Tổ đường ghi:
Sắc Tứ Thập Tháp trú trì, Tự Lâm Tế tứ thập nhất thế, húy Không Hoa hiệu Huệ Chiếu Hòa Thượng chi vị.
Tại tháp Hòa Thượng có nhiều câu thơ rất hay như:
百 年 世 事 長 流 水
一 點 靈 臺 不 夜 天
Bách niên thế sự trường lưu thủy
Nhất điểm linh đài bất dạ thiên.
Sự thế trăm năm dòng nước chảy
Chân linh một điểm vượt thời gian.
Hòa thượng độ được rất nhiều đệ tử xuất gia như:
Hòa thượng Như Hóa – Thiện Độ, hiệu Hoằng Tế, trú trì chùa Viên Quang tại huyện An Khê – Gia Lai. Hiện nay đệ tử của Hòa thượng là Thượng tọa Nhật Lan trú trì chùa Pháp Bảo tại quận Gò Vấp – Sài Gòn; Đại đức Nhật Trung thừa kế Bổn sư trú trì chùa Viên Quang tại An Khê – Gia Lai.
Thượng tọa Như Trí – Thiện Quang hiệu Hoằng Đạo, trú trì chùa Giác Hoàng tại Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Thượng tọa Như Phụng – Thiện Trì, sáng lập và hiện đương trú trì chùa Kim Quang tại Mỹ Quốc.
Thượng tọa Như Dũng – Thiện Quảng hiệu Ấn Nguyên, hiện trú trì chùa Viên Thông tại Đồng Phó – Tây Sơn.
Thượng tọa Như Thuyên – Thiện Chơn hiệu Hoằng Tịnh, sáng lập và hiện trú trì chùa Quan Âm tại Mỹ Quốc.
Thượng tọa Như Thâm – Thiện Hải hiệu Ấn Trừng, hiện trú trì chùa Tân An tại thị trấn An Khê, tỉnh Gia Lai.
Thượng tọa Như Lễ – Thiện Hữu hiệu Hải Từ, hiện trú trì chùa Phước Điền tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Thượng tọa Như Nhật – Thiện Huy, hiện trú trì chùa Phú Thạnh tại quận Phú Nhuận – Sài Gòn.
Thượng Tọa Như Trung – Thiện Chí hiệu Ấn Tôn, trú trì chùa Phước Sơn tại Phú Mỹ huyện Tây Sơn. Hiện nay đệ tử của Thượng tọa là Đại đức Nhật Vinh hiện thừa kế trú trì chùa Phước Sơn.
Thượng tọa Như Huy – Thiện Thắng, trú trì chùa Qui Sơn tại thị trấn An Khê tỉnh Gia Lai.
Thượng tọa Như Hóa – Hoằng Khải, trú trì chùa An Bình tại thị trấn An Khê tỉnh Gia Lai.
Ni Sư Như Ý – Thiện Bảo hiệu Hải Ngọc, hiện trú trì chùa Bảo Lâm tại Xuân Lộc – Long Khánh – Đồng Nai.
Đệ tử cầu pháp của Hòa Thượng như:
Thượng tọa Quảng Chư – Thiện Huệ hiệu Đổng Tánh, trú trì chùa Ngưỡng Quan xã Đập Đá huyện An Nhơn-Bình Định.
Ni Trưởng Như Ái – Tịnh Viên, trú trì chùa Hương Quang tại huyện Tuy Phước-Bình Định.
Các bài viết khác
Thông báo: Khoá tu “Một Ngày Phước Huệ” mùng 07 tháng 11 năm Kỷ Hợi (2019) tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định. Chúng con kính thỉnh chư tôn đức chứng minh, Bổn tự kính mời quý đạo hữu Phật tử, thiện tín gần xa về chùa Phước Long, số 33 Trần Quang Diệu, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định hoan hỷ về chùa tham dự...
Thực tập buông bỏ những hạt giống ích kỷ, tự ái, chấp ngã từ vô minh mù quáng và từ mê tín đến cuồng tín đối với một bản ngã hay đối với một cái ta, ta sẽ có đôi mắt sáng trong để nhìn muôn vật và nhận ra muôn vật đều là bạn của ta, ta gọi tên chúng và chúng cùng ta mỉm cười, rồi cùng nhau tự nhủ: “té ra thật tế là vậy”...
Tổ sư Nguyên Thiều với hành trạng và kệ thi tịch
Năm Đinh Tỵ, tức năm 1677, Tổ sư đã đi theo thuyền buôn đến phủ Quy Ninh Đại Việt, tức là Quy Nhơn – Bình Định ngày nay, lập chùa Di Đà Thập Tháp truyền bá Phật pháp tại vùng này. Sau đó Tổ ra Phú Xuân lập chùa Vĩnh Ân và xây dựng tháp Phổ Đồng, tức là Tổ đình Quốc Ân ở Huế ngày nay, để tuyên dương Phật pháp và tháp Phổ Đồng do ngài xây dựng...
Người nhiếp thọ chánh pháp qua Kinh Thắng Man
Bất cứ lúc nào cũng như ở đâu Nhiếp thọ chánh pháp và con người Nhiếp thọ chánh pháp đan xen vào nhau, tạo thành một thực thể sống động bất khả phân, thì ở đó và lúc đó chánh pháp được hưng thạnh và tồn tại đúng chân nghĩa của nó...
Trong Kinh Phổ Môn có dạy, nếu ai lâm nạn mà chí thành xưng danh hiệu cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì lửa không cháy, nước không trôi, quỷ không hại, xiềng xích không trói, tối tăm thành sáng suốt, thù oán thành thân cận. Với hạnh đại từ, đại bi của Bồ Tát Quán Thế Âm...
- Suy nghĩ về hướng giáo dục đạo Phật cho tuổi trẻ
- Đức Phật dạy về Bố thí
- Phân tích Bát thánh đạo
- Thông báo: Chương trình “Lễ Vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát” ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Hợi (2019) tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định
- Người học Phật cần phải có chánh kiến
- Thông báo: Khoá tu “Một Ngày Phước Huệ” mùng 7 tháng 9 năm Kỷ Hợi (2019) tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định
- Lễ tiểu tường và cắt băng khánh thành cổng Tam quan chùa Tây Thiên, Tp. Nha Trang
- Thư mời và chương trình lễ Tiểu tường cố Hòa thượng Thích Viên Tánh – Viện chủ chùa Tây Thiên, Tp. Nha Trang
- Lễ Vu lan Báo hiếu năm 2019 tại chùa Tây Thiên, Tp. Nha Trang
- Khai mạc pháp hội Vu Lan Báo Hiếu năm 2019 tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định
- Thư mời và chương trình Pháp hội Vu Lan Báo Hiếu và Húy kỵ Ân Sư năm 2019 tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định
- Kết thúc khóa tu “thất nhật an cư” tại chùa Tây Thiên, Tp. Nha Trang
- Thông báo: Thời khóa tu “Thất Nhật An Cư” năm 2019 tại chùa Tây Thiên Tp. Nha Trang
- Thông báo: Khóa tu Phước Huệ ngày 07/6/Kỷ Hợi 2019 tại chùa Phước Long, Bình Định
- Chùm ảnh khoá tu “Thất nhật an cư kiết hạ” tại chùa Phước Long, Bình Định